Scandinavian – Xu hướng nội thất của người trẻ

Scandinavian là cái tên đã không còn quá xa lạ với người Việt những năm gần đây. Lấy cảm hứng từ miền Bắc Âu lạnh giá, phong cách này nổi lên như một trào lưu của ngành thiết kế, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế nội thất.

Theo thời gian, sự phát triển của kiến trúc – nội thất ngày càng theo xu hướng hiện đại, tối giản nhưng phải thể hiện được tinh thần và màu sắc riêng của mỗi không gian. Scandinavian là một sự lựa chọn khôn ngoan trong bối cảnh thị trường thiết kế đang dần bão hòa.

Vậy bạn đã thực sự hiểu và ứng dụng Scandinavian như thế nào cho phù hợp? Bài viết dưới đây sẽ mang đến cái nhìn khách quan về phong cách nội thất nổi bật từ xứ lạnh, thứ đang dần trở thành trào lưu tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới.

1. Thuật ngữ Scandinavian là gì?

Đó là tên gọi chỉ con người và phong cách đặc trưng của khu vực bán đảo Scandinavie (thường gọi là Bắc Âu), gồm 5 quốc gia chính: Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan, Iceland và nhiều quần đảo nhỏ rải rác xung quanh.

Nơi đây được coi như vùng đất của thần thoại và băng giá, với vẻ đẹp thiên nhiên rất “tình” – những rặng núi, bờ biển, những ngôi làng phủ đầy tuyết cùng cánh rừng thông và những thung lũng đầy màu sắc.

Scandinavie là một trong những cái nôi của nền văn minh nhân loại, là mảnh đất sinh sống lâu đời của dân tộc German, người Viking và sản sinh ra thần thoại Bắc Âu nổi tiếng.

Một liên hệ trực tiếp đến tác phẩm điện ảnh Avengers – End Game, hẳn nhiều người cũng biết chuyến viếng thăm của Hulk và Rocket tới vương quốc New Asgard của thần sấm Thor – chính là vùng Tønsberg, Na Uy, phía Tây bán đảo Scandinavie.

2. Scandinavian – Linh hồn của nội thất vùng Bắc Âu

Nhắc đến Scandinavie, không thể không kể đến những cánh rừng, đồi thông ngập tuyết. Cặp sừng hươu trên nền tường tuyết trắng pha với sàn gỗ chính là nét đặc trưng định hình nên phong cách nội thất của miền Bắc Âu.

“Phong cách Scandinavian được tạo thành từ 3 thành phần chính – các họa tiết với những chức năng riêng, đơn giản nhưng phải đẹp”, Craig Ritchie – quản lý thiết kế và truyền thông của thương hiệu đồ nội thất gia dụng Ikea chia sẻ.

“Mặc dù đơn giản trong thiết kế, nhưng các đường nét trong phong cách Scandinavian thường được kết hợp với sự sang trọng một cách kín đáo và ấm áp. Từ đó mang lại cảm giác bình dị và thu hút”, ông chia sẻ thêm.

3. Tại sao Scandinavian là xu hướng của người trẻ?

Có thể nhận xét tổng quát phong cách này gói gọn trong 3 từ: Hiện đại, Tối giản và Tinh tế (trong một tổng thể tươi sáng và đầy năng lượng).

Hiện đại được thể hiện ở việc sử dụng những hình thức thiết kế mới mẻ, sáng tạo. Tối giản đến từ sự “vừa và đủ” của từng yếu tố trong công năng sử dụng. Và quan trọng hơn, sự tinh tế đòi hỏi một cái nhìn khéo léo để khiến không gian không bị loạn và vụn, đồng thời phải thể hiện được đúng tinh thần thiết kế.

Sở dĩ phong cách này trở thành trào lưu của giới trẻ là vì sự hấp dẫn và thu hút trong việc phối đồ nội thất, cũng như tính tích cực mà không gian mang lại: Một chiếc sofa hiện đại, chiếc ghế đôn đơn giản không cầu kì kết hợp cùng một bàn trà hình thức freestyle… nằm gọn trên tấm thảm họa tiết bắt mắt.

4. Cách sử dụng vật liệu và màu sắc

Nói về vật liệu, chắc chắn không thể thiếu gỗ! Đây là yếu tố tiên quyết của nội thất Scandinavian.

Gỗ được sử dụng với nhiều chức năng, từ vật liệu sàn, khuôn cửa, cầu thang, lan can tay vịn cho tới đồ nội thất, décor, thiết kế ánh sáng… Gỗ là điểm nhấn sáng giá nhưng lại quen thuộc và giản dị trong không gian ấm áp của xứ lạnh.

Người thiết kế có thể sử dụng gỗ tự nhiên hay gỗ công nghiệp cho đồ nội thất tùy mục đích và hạn mức về kinh tế, đồng thời phải có một con mắt thẩm mỹ đủ tinh để lựa chọn loại màu, loại vân phù hợp với concept tổng thể.

Về màu sắc, nội thất Scandinavie đặc trưng bởi màu màu trắng chủ đạo, kết hợp với các tone nâu gỗ từ sáng đến tối, màu trung tính (ghi nhạt, ghi đậm) / hoặc thay thế bằng các tone màu lạnh như xanh navy, xanh xám, xanh rêu, xám lông chuột, tím khói…

Màu sáng chủ đạo sử dụng ở diện tường và trần để tương phản với sàn gỗ đậm hoặc hòa nhập với sàn gỗ nhạt, ở các phần “mềm” (đệm, thảm, rèm, tranh tường, đồ decor…) để phân biệt với phần “cứng” (khung cửa, khung bàn ghế, tủ kệ…) bằng gỗ hoặc sắt.

Nhiều khi, người thiết kế cũng nên cân nhắc sử dụng thêm một số tone màu pastel trên diện tường hoặc đồ nội thất để cá nhân hóa về thẩm mỹ và công năng cho từng không gian khác nhau.

5. Décor, cây xanh và ánh sáng

Chúng là những thìa gia vị trong một không gian kiểu Scandinavian, vừa là sự bổ sung, vừa là chất xúc tác cho sự hài hòa tổng thể.

Đồ décor ở đây được chia làm hai nhóm:

  • Những món đồ nội thất chính như bàn ghế, tủ kệ, đèn cây, đèn trần… được chăm chút về hình thức, để có thể đáp ứng cả về công năng lẫn tính trang trí, thẩm mỹ.
  • Đồ décor thuần như thảm, tranh tường, vải trang trí… đặc biệt phải kể đến chiếc đầu hươu treo tường là bản sắc của người Viking.

Cây xanh cũng đóng vai trò quan trọng trong nghệ thuật décor, thanh lọc không gian, mang đến cảm giác thoáng đãng. Mỗi loại cây có một công dụng và vẻ đẹp riêng, tùy vào nhu cầu sử dụng của chủ nhà để lựa chọn cho phù hợp nhất:

  • Cây loại vừa đến lớn: lưỡi hổ, bàng Singapore, chuối cảnh, trầu bà…
  • Cây loại nhỏ phù hợp để bàn hoặc tủ kệ trưng bày: ngũ gia bì, xương rồng, hồng môn, tùng thơm, kim tiền, kim ngân…

Một không gian nội thất Scandinavian luôn phải khai thác và tận dụng ánh sáng tự nhiên tối đa. Cùng với đó, việc sử dụng những chiếc đèn với ánh sáng vàng ấm và một hình thức freestyle sẽ là những điểm nhấn đáng chú ý.

6. Những ưu điểm và lý do để lựa chọn phong cách Scandinavian
  • Sự hài hòa, thuận mắt và dễ ăn điểm với chủ đầu tư

Ngay từ thế kỷ 19, phong cách nội thất này đã luôn được ưa chuộng tại châu Âu và Mỹ, những cái nôi của nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, việc áp dụng nội thất Scandinavian còn chưa được phổ thông ở các thành phố lớn có cá tính nghệ thuật phong phú, đa dạng.

Hiện nay, Scandinavian là lựa chọn hàng đầu cho một thiết kế nội thất, bất kể ở vùng ngoại ô hay thành thị. Nó mang theo tinh hoa văn hóa của nền văn minh Bắc Âu dưới lăng kính của sự tiện nghi, phù hợp với bối cảnh và nhiều mục đích sử dụng.

  • Lợi thế về mặt không gian

Nhờ màu sắc tươi sáng, phong cách nội thất Bắc Âu biến tấu không gian trở nên rộng rãi và thoáng đãng hơn, đặc biệt phù hợp trong nhiều căn hộ với diện tích vừa và nhỏ – xu hướng ở đang ngày càng được ưa chuộng của người Việt.

  • Thể hiện tính cá nhân của chủ nhà

Mỗi căn phòng, mỗi không gian đều có thể trở nên riêng biệt, cá nhân hóa theo từng đối tượng sử dụng. Sự cá tính và hài hòa nên được áp dụng một cách linh hoạt, từ những không gian sinh hoạt chung như phòng khách, bếp ăn… cho đến các khu vực riêng tư hơn: phòng ngủ, góc làm việc…

  • Dễ dàng décor và mix với nhiều phong cách khác

Với gỗ và các màu sắc trung tính, hiện đại cùng hình thức kiến trúc tối giản, Scandinavian là mảnh ghép phù hợp cho mọi không gian. Đó cũng là môi trường tốt để tôn lên những món đồ décor.

Xu hướng mix Scandinavian với nhiều phong cách nội thất khác trong một công trình có thể đáp ứng được mắt thẩm mỹ của những người dùng khó tính nhất.

  • Nhiều sự lựa chọn về đồ nội thất với mẫu mã và giá cả cạnh tranh

Sự phát triển của phong cách Scandinavian như hiện nay kéo theo nhiều đơn vị sản xuất nội thất luôn phải bắt kịp xu hướng và cạnh tranh lẫn nhau. Đó là một lợi thế lớn cho người thiết kế lựa chọn được những sản phẩm ưng ý cho nhu cầu sử dụng của chủ nhà.

Nguồn: Duc Anh | Kiến Việt

Scroll to Top